Ra đời Phong Hóa (tuần báo)

Đầu những năm 1930, ở Việt Nam xảy ra nhiều sự kiện lớn, có tính bước ngoặt của lịch sử như cuộc khởi nghĩa Yên Bái, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh... Thực dân Pháp đã đàn áp hết sức dã man các phong trào này. Hàng loạt nhà yêu nước rơi vào cảnh tù đày. Mọi hình thức đấu tranh vũ trang hầu như bị triệt tiêu. Đúng vào lúc ấy, Nguyễn Tường Tam đỗ bằng Cử nhân khoa học, và trở về nước[3].

Theo nhiều tài liệu, thì trong khoảng thời gian sống tại Pháp, ngoài việc học khoa học, ông Tam còn chuyên tâm nghiên cứu về nghề báo, và ông nhận thấy loại báo trào phúng là khá thích hợp với sở thích của nhiều người[4].

Về ở Hà Nội, để thực hiện ước vọng của mình, Nguyễn Tường Tam nộp đơn xin Sở Báo chí cho phép ra báo Tiếng cười, và chuẩn bị bài vở cho số báo đầu tiên. Tuy nhiên, lần nào hỏi thăm đều nghe người của sở ấy bảo rằng "chờ xét"[5]. Trong thời gian đợi giấy phép ra báo, Nguyễn Tường Tam xin vào dạy học tại trường tư thục Thăng Long [6]. Tại đây, ông quen biết với hai đồng nghiệp là Trần Khánh Giư (Khái Hưng) và Phạm Hữu Ninh[7] (anh họ của nhạc sĩ Phạm Duy).

Khi biết ông Ninh đang làm quản lý cho tờ Phong Hóa, đã ra 13 số báo, nhưng sắp sửa phải đình bản vì không có gì mới mẻ để bạn đọc chú ý. Chớp thời cơ, Nguyễn Tường Tam ngỏ ý mua lại. Sau đó, ông Tam, với vai trò Giám đốc (Directeur) tờ báo, liền cùng với một nhóm anh em bạn hữu gồm có: Khái Hưng (Trần Khánh Giư, vốn là cây bút cốn cán giữ nhiêu mục quan trọng trên báo Phong Hóa suốt từ số 1 cho đến số 14)[8], Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), tạo thành một ban biên tập hoàn toàn mới"[9].Bắt đầu ngày 22 tháng 09 năm 1932, báo Phong Hóa số 14 ra 8 trang khổ lớn, được đánh giá là "một quả bom nổ giữa làng báo" [10].

Thi sĩ Nguyễn Vỹ, người cùng thời, đã kể về tờ báo ấy như sau:

...Hai biến cố sôi nổi nhất vừa xảy ra trong lúc này (1932): tờ tuần báo Phong Hóa của một Cử nhân Khoa học ở Pháp mới về tên là Nguyễn Tường Tam,... và Bảo Ðại đỗ Tú tài Pháp ở Paris cũng vừa về Huế để làm vua...Tôn chỉ đầu tiên của tuần báo Phong Hóa là đả kích những gì cũ kỹ của xã hội Việt Nam, và chủ trương một đời sống trưởng giả mới, thích hợp với phong trào lãng mạn của thời đại.Cái khôn khéo tùy thời của Nguyễn Tường Tam, chủ nhiệm báo Phong Hóa, là biết lợi dụng đúng lúc sự chán nản của tinh thần thanh niên và dân chúng sau các vụ "Hội Kín" liên tiếp thất bại, gây ra máu lửa hãi hùng và tang tóc,...để phát hành tờ báo Phong Hóa, chuyên về hài hước, cốt làm cho độc giả cười, thành một trò vui nhộn.Ông lại còn dùng giọng cười trào phúng đó để đả kích cái phong hóa cũ kỹ của xã hội Việt Nam. Do đó ông đặt ra hai nhân vật lố bịch mà ông gọi tên là "Lý Toét" và "Xã Xệ" để tượng trưng cho tất cả những gì hủ lậu, "quê mùa" ngơ ngẩn, của người An Nam (tức Việt Nam) trước cái văn minh tân tiến của Pháp.Ngay từ những số đầu, tờ báo Phong Hóa đã bán chạy như tôm tươi, chính là nhờ những tranh vẽ Lý Toét đầy cả mấy trang báo, và những mục khôi hài chê cười nhân vật điển hình ấy...[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phong Hóa (tuần báo) http://boxitvn.blogspot.com/2012/09/ung-ngay-nay-8... http://www.nguoi-viet.com/thuviennguoiviet/phongho... http://chimviet.free.fr/vanhoc/phamthaonguyen/ptha... http://trieuxuan.info/?pg=tpdetail&id=7466&catid=3 http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op... http://www.vnu.edu.vn/btdhqghn/?C2002/N12964/Phong...